LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG PHẢI PHỎNG VẤN VISA DU HỌC MỸ LẦN 2?

Thể hiện dự định học vấn nghiêm túc; Hãy thành thật và nói “không” với những quyền trợ giúp gian lận; Trả lời thật lưu loát và tự nhiên… là những yếu tố quan trọng bạn cần chú ý khi phỏng vấn xin visa du học Mỹ.

1.Thể hiện dự định học vấn nghiêm túc:

Nhiều trường hợp sinh viên có được I-20 (giấy chứng nhận của trường ĐH chứng nhận ứng viên đã được chấp thuận vào học) nhưng lại biết ít thông tin về trường mình đã chọn ở Mỹ. Những câu trả lời chung chung như “Mỹ là một cường quốc hiện đại nên em muốn đi du học để trải nghiệm lối sống Mỹ” thường sẽ không giúp bạn gây ấn tượng được với viên chức vì nó không chứng minh được việc xin visa du học nhằm phục vụ mục đích học tập nghiêm túc của sinh viên.

2. Thể hiện mong muốn được cống hiện tại nước nhà sau khi kết thúc quá trình học tập ở nước ngoài:

Ngoài việc hoạch định rõ kế hoạch học tập, ứng viên phải thể hiện được mong muốn trở về VN để làm việc và sinh sống sau khi hoàn tất khóa học tại Mỹ. Bên cạnh việc ràng buộc về gia đình tại VN, việc định hướng được kế hoạch làm việc hoặc học tập tiếp theo sau khi về nước của sinh viên sẽ khiến viên chức tin tưởng hơn trong việc cấp visa.

3. Hãy thành thật và nói “không” với những quyền trợ giúp gian lận:

“Đừng tin tưởng vào những lời quảng cáo của một số công ty, cá nhân kêu gọi giúp chuẩn bị giấy tờ giả, lời khai có lợi và tư vấn đảm bảo khách hàng đậu visa Mỹ 100%, nó chỉ khiến bạn mất tiền thôi”, ông David nói. Ông này còn nhấn mạnh thêm: “Hãy lưu ý rằng việc sử dụng giấy tờ và lời khai giả sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ khiến bạn không được cấp visa lần đó mà còn có thể tước luôn quyền được cấp visa đi Mỹ vĩnh viễn trong tương lai, tùy theo mức độ nghiêm trọng của việc gian lận”.

4. Trả lời thật lưu loát và tự nhiên:

Với phương châm “Hãy biến buổi phỏng vấn thành một cuộc đối thoại”, ông David khuyến khích các bạn, đặc biệt là các bạn có trình độ tiếng Anh tốt, đừng cố gắng thực tập trước hay viết sẵn câu trả lời và học thuộc lòng vì các viên chức sẽ cảm thấy ấn tượng hơn với những đối tượng trả lời phỏng vấn một cách tự nhiên, không gò bó gượng gạo và theo kịch bản.

5. Không nên quá phụ thuộc vào giấy tờ:

Khi đi phỏng vấn, việc đem nhiều giấy tờ chỉ hữu ích khi các viên chức cần hồ sơ để kiểm chứng, nhưng không phải là điều kiện quyết định giúp bạn được cấp visa hay không. Nếu bạn không thuyết phục được viên chức trong khi trả lời phỏng vấn, thì việc có đủ giấy tờ cũng không thể giúp bạn lấy thêm điểm cộng nào cả.

6. Đừng nản chí:

Đừng ngần ngại thử sức lại sau khi thất bại vào lần đầu tiên, vì bạn sẽ được gặp một viên chức mới để phỏng vấn và có cơ hội thể hiện bản thân mình một cách tốt hơn sau kinh nghiệm lần đầu tiên. Tuy nhiên bạn phải đảm bảo rằng trong hồ sơ lần thử sức sau này phải có những điểm khác, cải thiện hơn so với lần phỏng vấn trước, nếu không thì khả năng viên chức sẽ có quyết định tương tự như lần đầu là rất cao.

“Hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể chinh phục sự tin tưởng của viên chức phỏng vấn chỉ bằng 3 yếu tố đơn giản, đó chính là sự thoải mái thư giãn khi trả lời phỏng vấn, thể hiện được bản thân mình và luôn thành thật chia sẻ trong mọi câu hỏi từ viên chức đưa ra, nó sẽ giúp bạn thành công”, ông David McCawley kết luận.

Lý do khiến bạn bị đánh trượt visa du hoc là gì?

Theo nghiên cứu, cứ 1000 sinh viên nộp hồ sơ thì có đến 300 bạn phải hoãn lại giấc mơ du học của mình vì không xin được visa. Vậy đâu là những lí do dẫn đến việc bị đánh trượt visa?

Hồ sơ du học “có vấn đề”?: Hồ sơ du học đóng vai trò quyết định rất lớn trong việc bạn có được cấp visa hay không. Một trong những nguyên nhân về hồ sơ du học khiến visa của bạn bị đánh trượt là thông tin không rõ ràng. Điển hình như việc nhầm lẫn giữa địa chỉ nhà ở hiện tại và địa chỉ ghi trên hộ khẩu, thành tích học tập không khớp với những gì được khai báo, bằng cấp và bảng điểm chưa công chứng… Đừng mắc phải những sai lầm tuy nhỏ nhưng vô cùng “nguy hiểm” này nhé, cẩn thận từng bước! Bạn cũng cần lưu ý hạn nộp hồ sơ và nên nộp sớm ít nhất 03 tháng trước khi khóa học bắt đầu. Hồ sơ nộp muộn sẽ để lại ấn tượng xấu với người phỏng vấn.

Chọn trường học không phù hợp?: Môi trường học tập tại Việt Nam có ít điều kiện cho bạn định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chọn trường và ngành học không phù hợp. Dù có năng lực và bảng điểm hoàn hảo đến cỡ nào, nếu không chứng minh được bản thân phù hợp với ngành đăng ký, bạn khó được cấp visa. Hãy nghiên cứu thật kỹ về ngành học mà bạn đăng ký, lực chọn và cân nhắc với những gì bạn thích và những gì bạn có thể làm được. Ngoài ra khi nộp hồ sơ xin visa, bạn nên tìm hiểu kĩ yêu cầu đầu vào của trường bạn đăng ký. Khi du học, ai cũng mong muốn học tập tại những ngôi trường hàng đầu nhưng không phải hồ sơ học tập nào cũng đạt tiêu chuẩn đó.

“Lỗi kỹ thuật” khi trả lời phỏng vấn?: Kết quả phỏng vấn là một điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến việc xin visa du học của bạn. Những địa điểm phỏng vấn visa du học sẽ luôn cấp chứng nhận sau mỗi lần phỏng vấn. Tuy nhiên điều này không nói lên kết quả phỏng vấn của bạn có tốt hay không và dễ khiến bạn nhầm lẫn bạn đã phỏng vấn tốt.

Trong lúc phỏng vấn luôn có vô vàn những tình huống xảy đến với bạn. Bạn lo lắng đến nỗi không thể trả lời trôi chảy, phân vân không biết nên trả lời bằng tiếng Anh hay tiếng Việt hoặc tệ hơn là rút nhầm giấy tờ cần thiết?

Ấn tượng của bạn đối với người phỏng vấn là rất quan trọng. Bạn nên ăn mặc lịch sự, nhưng đừng quá “đóng hộp” hay quá là hở hang. Áo phông và quần jeans là vừa đủ đẹp. Cùng với đó là phong thái tự tin, nhanh nhẹn, ắt hẳn sẽ tạo được thiện cảm cho người phỏng vấn mình. Quan trọng hơn là lúc trả lời phỏng vấn, bạn cần hết sức bình tĩnh, trả lời một cách ngắn gọn, súc tích, không quá rườm rà, tránh lan man sang vấn đề khác và luôn nhớ rằng, đừng khiến cho người phỏng vấn cảm thấy nhàm chán khi “phải” ngồi đối diện với bạn. Để tránh việc bạn luống cuống rút nhầm giấy tờ hay làm chúng bay lung tung, bạn nên sắp xếp sẵn ở nhà, kẹp riêng những giấy tờ liên quan với nhau, những giấy tờ quan trọng và cần thiết nên được dán giấy ghi chú và dính lên đó để lúc cần tìm sẽ nhanh hơn.

Không chứng minh được tài chính?: Các lỗi bạn có thể gặp phải khi chứng minh tài chính như: không chứng minh được mối quan hệ nhân thân giữa người đi du học và người chi trả tài chính, sổ tiết kiệm không đủ. Bạn phải lưu ý theo dõi tỷ giá của tiền tệ tại thời điểm đó, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến số tài khoản trong sổ tiết kiệm của bạn. Có thể bạn đã tính đủ bằng Việt Nam đồng nhưng khi quy đổi sang ngoại tệ, tiền sụt giá có thể làm sổ tiết kiệm của bạn bị thiếu hụt.

“Gốc rễ” ngoại ngữ chưa ổn?: Mỗi quốc gia có một yêu cầu đầu vào ngoại ngữ khác nhau khi xin visa du học. Thông thường để đạt điều kiện đi du học ở các nước nói tiếng Anh, bạn cần ít nhất Ielts 5.0 cho các khóa học A level, dự bị đại học và 6.0 hệ sau đại học.

Đối với du học Pháp, bạn cần có tối thiểu 350-400 TCF (hoặc DELF B2), với sinh viên học bằng tiếng Anh tại Pháp, yêu cầu tối thiểu 200đ TCF (DELF A2).

Đối với du học Nhật Bản, bạn cần chứng chỉ tiếng Nhật cấp N5 hoặc tương đương.

Nguồn: http://thexanhmy.com/du-hoc-my/kinh-nghiem-du-hoc/lam-gi-de-khong-phai-phong-van-visa-du-hoc-my-lan-2.html